Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

đk sự ra đời của văn minh công nghiệp


I. Điều kiện ra đời của nền văn minh công nghiệp

1.1. Phong trào phát kiến địa lí thế kỉ XV-XVI:

1.1.1. Nguyên nhân:
Thế kỉ XV, kinh tế hàng hoá ở Tây Âu đã khá phát triển, nhu cầu về thị trường tăng cao. Giai cấp tư sản Tây Âu muốn mở rộng thị trường sang phương Đông, mơ ước tới những nguồn vàng bạc từ phương Đông.
Tại Tây Âu, tầng lớp giàu có cũng tăng lên do đó nhu cầu về các mặt hàng đặc sản, cao cấp có nguồn gốc từ phương Đông như tiêu, quế, trầm hương, lụa tơ tằm, ngà voi... tăng vọt hẳn lên.
Trong khi đó, con đường tơ lụa mà người phương Tây đã biết từ thời cổ đại lúc đó lại đang bị đế quốc Thổ Nhĩ Kì theo đạo Hồi chiếm giữ, đi qua chỉ có mất mạng, vì vậy chỉ có cách tìm một con đường đi mới trên biển.
Lúc đó người Tây Âu đã có nhiều người tin vào giả thuyết Trái đất hình cầu. Họ cũng đã đóng được những con tàu buồm đáy nhọn, thành cao, có khả năng vượt đại dương, mỗi tàu lại đều có la bàn và thước phương vị, điều đó đã tăng thêm sự quyết tâm cho những thuỷ thủ dũng cảm.
1.1.2. Những cuộc phát kiến địa lí lớn thế kỉ XV-XVI:
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước đi đầu trong phong trào phát kiến địa lí. Năm 1415 một trường hàng hải do hoàng tử Henri của Bồ Đào Nha sáng lập và bảo trợ. Từ đó, hàng năm người Bồ Đào Nha tổ chức những cuộc thám hiểm men theo bờ biển phía tây Châu Phi.
Năm 1486, đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha do B. Dias chỉ huy đã tới được cực nam Châu Phi, họ đặt tên mũi đất này là mũi Hy Vọng .
Năm 1497, Vascô đơ Gama (Vasco de Gama ) đã cầm đầu đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha tới được Ấn Độ.
Người Tây Ban Nha lại đi tìm Ấn Độ theo hướng Mặt trời lặn. Năm 1492, một đoàn thám hiểm do C. Côlông ( C. Colombus) chỉ huy đã tới được quần đảo miền trung Châu Mĩ, nhưng ông lại tưởng là đã tới được Ấn Độ. Ông gọi những người thổ dân ở đây là Indians. Sau này, một nhà hàng hải người Ý là Amerigo Vespucci mới phát hiện ra Ấn Độ của Côlông không phải là Ấn Độ mà là một vùng đất hoàn toàn mới đối với người Châu Âu. Amerigo đã viết một cuốn sách để chứng minh điều đó. Vùng đất mới đó sau này mang tên America. Thật đáng tiếc cho C. Côlông.
Năm 1519 - 1522, F. Magienlan đã cầm đầu đoàn thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Một hạm đội gồm 5 tàu với 265 người đã vượt Đại Tây Dương tới bờ biển phía đông của Nam Mĩ. Họ đã đi theo một eo biển hẹp gần cực nam Châu Mĩ và sang được một đại dương mênh mông ở phía bên kia. Suốt quá trình vượt đại dương mênh mông đó, đoàn tàu buồm của Magienlan hầu như không gặp một cơn bão đáng kể nào. Ông đặt tên cho đại dương mới đó là Thái Bình Dương. F.Magienlan đã bỏ mạng ở Philippin do trúng tên độc của thổ dân. Đoàn thám hiểm của ông cũng chỉ có 18 người sống sót trở về được tới quê hương. 247 người bỏ mạng trên tất cả các vùng biển và các hòn đảo trên thế giới vì những nguyên nhân khác nhau. Nhưng thành công lớn nhất mà chuyến đi đạt được là lần đầu tiên con người đã đi vòng quanh thế giới.
1.1.3. Tác dụng của những cuộc phát kiến địa lí:
Các nhà thám hiểm bằng những chuyến đi thực tế đầy dũng cảm của mình đã chứng minh cho giả thuyết Trái đất hình cầu. Họ còn cung cấp cho các nhà khoa học rất nhiều hiểu biết mới về địa lí, thiên văn, hàng hải, sinh vật học...
Sau những cuộc phát kiến này, một sự tiếp xúc giữa các nền văn hoá trên thế giới diễn ra do các cá nhân có nguôn gốc văn hoá khác nhau như các giáo sĩ, nhà buôn, những người khai phá vùng đất mới, những quân nhân...
Một làn sóng di chuyển dân cư lớn trên thế giới trong thế kỉ XVI-XVIII với những dòng người Châu Âu di chuyển sang Châu Mĩ, Châu Úc. Nhiều nô lệ da đen cũng bị cưỡng bức rời khỏi quê hương xứ sở sang Châu Mĩ .
Hoạt đông buôn bán trên thế giới trở nên sôi nổi, nhiều công ti buôn bán tầm cỡ quốc tế được thành lập.
Những cuộc phát kiến địa lí này cũng gây ra không ít hậu quả tiêu cực như nạn cướp bóc thuộc địa, buôn bán nô lệ da đen và sau này là chế độ thực dân.

1.2. Thắng lợi của phong trào cách mạng tư sản ( thế kỉ XVI-XVIII):

Sự phát triển của thị trường trên qui mô toàn thế giới đã tác động tới sự phát triển của nhiều quốc gia, trước hết là các nước bên bờ Đại Tây Dương, sự thay đổi về mặt chế độ xã hội sẽ diễn ra là điều tất yếu. Giai cấp tư sản ngày càng lớn mạnh về mặt kinh tế nhưng họ chưa có địa vị chính trị tương xứng, chế độ chính trị đương thời ngày càng cản trở cách làm ăn của họ. Thế kỉ XVI-XVIII đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mĩ.
Bước chuyển đó đã được thực hiện qua hàng loạt những cuộc cách mạng tư sản như: Cách mạng tư sản Hà Lan ( 1566-1572), Cách mạng tư sản Anh (1640-1689), Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ (1775-1783), Cách mạng tư sản Pháp(1789-1799)...
Các cuộc biến động xã hội đó tuy cách xa nhau về không gian, thời gian cũng cách xa nhau hàng thế kỉ nhưng đều có những nét giống nhau là nhằm lật đổ chế độ lạc hậu đương thời, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản phát triển. Với sự thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản và sự ra đời của các quốc gia tư bản, công thương nghiệp đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Lịch sử nhân loại đang bước sang một giai đoạn văn minh mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét