TỊNH XÁ NGỌC VIÊN


Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long): ngôi tịnh xá khất sĩ đầu tiên ở Việt Nam. Kiến tạo cuối năm 1948 trên một khu đất rộng tại thị xã Vĩnh Long. Tịnh xá Ngọc Viên được xem là ngôi Tổ đình và là trung tâm hoằng khai giáo pháp khất sĩ của toàn sơn môn hệ phái, đặc biệt kể từ sau lần đầu tiên (1949) tổ chức trọng thể Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu Lan bồn trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng rộng khắp trong sinh hoạt Phật giáo của toàn miền.
Tịnh xá Ngọc Viên tọa lạc ở số 14/20/2 đường Xóm Chài, phường 2, thị xã Vĩnh Long. Được xây dựng năm 1948 trên một khu đất rộng, Tịnh xá Ngọc Viên được xem là ngôi Tổ đình và là trung tâm hoằng khai giáo pháp khất sĩ của toàn sơn môn hệ phái, đặc biệt kể từ sau lần đầu tiên (1949) tổ chức trọng thể Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu Lan bồn trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng rộng khắp trong sinh hoạt Phật giáo của toàn miền.



Từ hướng cầu Mỹ Thuận trở vào trung tâm Thành phố Vĩnh Long, ngay vòng xoay phía bên cánh trái có con đường xóm chài, vào khoảng 60m phía bên phải có con hẻm nhỏ, chúng ta đi thẳng vào 50m nữa là vào đến cổng tam quan Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên.
1 - Khái quát:
Được phát triển xây dựng đầu năm 1993 với mô hình bát giác có ba mái nhằm tượng trưng cho tám con đường đưa đến giác ngộ giải thoát đó là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Được thâu tóm lại thành tam vô lậu học là Giới - Định - Tuệ.



Bên trong ngay giữa Chánh điện có tháp thờ bảo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni và bộ đại tạng kinh Việt Nam, nền tháp có ba bậc tượng trưng cho ngôi tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Bốn cửa tháp để trống tượng trưng cho tứ vô lượng tâm: “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, phía trên nóc tháp có 13 tầng là biểu trưng cho con đường tiến hóa của chúng sanh (từ địa ngục đến Như Lai).
- Lục phàm: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Atula, Nhân, Thiên.
- Tứ thánh: Nhập lưu, Nhất vãng lai, Bất lai, Alahán.
- Tam tôn: Duyên Giác, Bồ tát, Như lai.
Xung quanh tháp thờ Phật có 4 đại trụ nhằm tượng trưng cho tứ chúng Tăng, Ni, nam và nữ cư sĩ cùng nhau tu học. Mỗi đại trụ có một bông sen đỡ chân, nhằm để nhắc nhở cho hàng tứ chúng phải dựa trên nền tảng tam nghiệp luôn thanh tịnh, tinh khiết như là hoa sen, mới có thể chống đỡ ngôi nhà Phật pháp.


Phía sau tháp thờ Phật là tủ thờ bộ Pháp bảo Chơn Lý, cùng với di ảnh của đức Tổ sư Minh Đăng Quang - vị khai sáng hệ phái Khất sĩ.
Phía trên di ảnh của đức Tổ sư là biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chân lý được đức Ngài chọn làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích Ca chánh pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, hiện nay là hệ phái Khất sĩ. Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem chánh pháp giải thoát thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối cho người hữu duyên (Ngọn đèn chơn lý). Đó là pháp phụng thờ chánh pháp một cách tốt đẹp nhất. Trong quyển Chơn lý “Trên mặt nước” đức Tổ sư có nói: Sen có phẩm chất là ở trong bùn nước mà vượt khỏi bùn nước. Bùn đất là tượng trưng cho một người hay một gia đình ở dưới thấp, ích kỷ tội lỗi. Nước là xã hội thánh thiện thuận theo duyên trôi chảy, sen là bậc xuất gia giải thoát khất sĩ, chư Tăng sư: Lời nói như hoa, việc làm như lá, ý niệm như gương; tất cả đều cao vượt lên không trung và không còn ô nhiễm nước bùn theo thế sự. Gốc sen là chỉ cho người tu còn phải nương trần thế về vật chất, tuy còn đi đứng trong xã hội nhưng tâm trí thì đã cao xa khác hẳn. Sau khi đạt được tinh thần vô nhiễm đó, mới dấn thân đem chánh pháp vào đời giúp cho xã hội, gia đình, cá nhân được bình yên, trong sạch sáng lạng. Như vậy biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng, chính là hoài bảo của Tổ sư về một quốc độ, về một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn Chơn lý phụng hiến cho đời.
Chánh điện cũng là nơi để cho bá tánh Phật tử thắp hương lễ phật, thể hiện niềm tôn kính đối với tam bảo. Nơi đây cũng thường diễn ra các sinh hoạt như: Thời khóa tụng niệm mỗi ngày, 4 kỳ tụng giới của chư Tăng và cúng hội theo truyền thống hệ phái. Đây cũng là nơi để truyền trao quy giới cho các giới tử xuất gia lẫn tại gia.



2 - Giảng Đường:
Được xây dựng mới vào năm 2004 gồm có 2 tầng.
Tầng trệt là nơi để dạy giáo lý cho chư Tăng và Phật tử nhằm phát triển về mặt tâm linh trí tuệ, đồng thời để nêu cao tinh thần xiển dương chánh pháp của đức Tổ sư. Trong quyển Luật Nghi Khất sĩ Ngài quy định mỗi Tịnh xá đều phải có nhà giảng thuyết pháp gốc vuông 16 thước.
Tầng lầu 1 là Thiền Đường cho chư Tăng ở trú xứ.
Tầng lầu 2 là Tàng Kinh Các, nơi lưu trữ các bộ đại tạng, cũng như các bộ kinh khác của những truyền thống hệ phái.
3 - Trai Đường:
Được xây dựng vào năm 1993 là nơi chư Tăng thọ trai mỗi ngày, ở trên có tầng gác là chỗ tịnh dưỡng của chư vị tỳ kheo và nơi đây cũng thường diễn ra các cuộc hội họp của chư Tăng trong giáo đoàn để bàn những Phật sự trong năm.



4 - Nhà Thờ Cửu Huyền Thất Tổ:
Là nơi thờ chư vong linh quá vãng. Trong ấy có những Phật tử lúc sinh tiền đã quy ngưỡng với Tam Bảo, khi mất họ cũng muốn sống gần Tam Bảo, nên con cháu đem hương linh của ông bà, cha mẹ gửi vào trong nhà thờ Cửu Huyền này. Bên cạnh đó cũng có những hương linh chưa quy y, nhưng gia đình của họ muốn tạo điều kiện cho người thân đã mất có duyên với Phật pháp, nên cũng gởi vào đây để thờ.
Đó cũng là cơ hội cho con cháu hay thân nhân thường tới lui đạo tràng đốt hương tưởng niệm thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, cha mẹ hay những nghĩa tình đối với thân bằng quyến thuộc theo tinh thần Phật giáo. Nhà thờ Cửu Huyền được thành lập năm 1948, trùng tu năm 1965 và được di dời xây dựng lại điểm mới vào năm 1993 cho đến hôm nay.
5 - Cây Bồ Đề:
Do chính tay đức Tổ sư trồng vào năm 1948. Nhưng có một điều đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, ngoài gốc Bồ Đề mà đức Tổ sư đã trồng thì có 10 cây bồ đề con, mọc lên xung quanh trên bộ rễ gốc cây chính và đang vươn mình để tỏa bóng mát, tạo một dáng vẻ mỹ quan cho ngôi đạo tràng.


6 - Cốc Tổ Sư:
Được thành lập năm 1948 bằng lá, được trùng tu nhiều lần và dời lại điểm mới, hai lần cuối vào năm 1971 và ngày rằm tháng 9 năm Kỷ Mão, 1999. Bên trong hiện nay vẫn còn lưu giữ những pháp cụ, bút tích và hình ảnh của đức Tổ sư. Núi đất bên cạnh cốc đức Tổ được đắp khoảng năm 1950, để duy trì và giữ gìn di tích này thì lâu lâu chư tăng lấy đất để vun bồi thêm.
7 - Nhà Khách Ni:
Vì Tịnh xá là Tổ đình của hệ phái nên thường có những phái đoàn Tăng ni Phật tử phương xa đến để thăm viếng, nên ngôi nhà này được xây dựng mới vào năm 1999. Tầng trệt là để cho chư Ni có chỗ tạm nghỉ chân trong giây lát mỗi khi có duyên sự. Tầng gác là chỗ cho phật tử nữ nghỉ qua đêm vào những ngày lễ hội. Đối diện với nhà này là khách nam cư sĩ.
8 - Những Am Cốc:
Được làm bằng ván lá đơn sơ, là để cho chư vị tỳ kheo tịnh tu hoặc các vị khách tăng tạm dừng chân trú ngụ qua đêm. Nhằm thực hiện theo tinh thần tri túc thiểu dục, thanh bần đơn giản mà đức tổ sư đã từng khuyên dạy: “Người tu xuất gia, phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng liều am nhỏ, bằng lá một cửa thì được ở”.
Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên, do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, lúc khởi đầu chỉ là một ngôi Tịnh xá nhỏ hẹp với vài cốc lá đơn sơ. Trải qua nhiều lần xây dựng, đến nay đã trở thành ngôi Tịnh xá với lối kiến trúc mang dáng vẻ hiện đại nhưng phần lớn được xây dựng bằng chất liệu gỗ là chính yếu. Vì thế không làm mất đi nét thâm nghiêm cổ kính của chốn Tổ, nơi ghi dấu thời kỳ mở mang mối đạo.



Như đã nói ở trên, hiện nay ngôi Tổ đình được công nhận là Danh lam thắng cảnh của nước non miền Tây Nam Bộ. Thật vậy, trước sự phát triển về số lượng tu sĩ và sự hình thành cơ sở vật chất đồ sộ, hiện nay Chư Tôn Đức Giáo Đoàn I nói riêng và hệ phái Khất Sĩ nói chung luôn luôn tưởng nhớ đến ân đức giáo dưỡng của Đức Tổ Sư, bậc khai sáng mối đạo và là Người đã khai sơn ngôi Tổ đình này.
     Ngày nay nhìn ngắm công trình xưa của Thầy Tổ đang hồi hưng thịnh, huy hoàng không ai khỏi bồi hồi cảm xúc  nhớ ại thời dừng chân ngắn ngủi sau cùng của Tổ Sư trước cuộc lên đường ẩn tích siêu nhiên.../.
aladin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét