TÔN GIÁO


 Trong không gian chùa Việt (Bắc Bộ), từ kiến trúc, bài trí, tượng thờ, pháp khí, cho đến cây cối được trồng trong di tích đều ẩn chứa những cấu tứ sâu sắc bởi ý nghĩa minh triết của Phật giáo hòa quyện với ước vọng cầu mùa của người Việt. Nếu bố cục ngôi chùa theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” là hình thức phổ biến hơn cả thì nhìn chung chùa bao gồm một điện thờ hình chữ “Công”, một dãy hành lang bao quanh ba mặt và một sân rộng. Khu trung tâm là điện thờ Phật của chùa, thông thường bao gồm ba ngôi nhà nằm kế tiếp nhau, lần lượt là Tiền đường – Thượng điện – Nhà Tổ, Mẫu...

Bộ tượng Tam thế tam thiên Phật ở chùa Dâu
Bài trí tượng trong tòa Tiền đường
Ban Đức Ông ở bên trái tòa Tiền đường, tượng có y phục theo lối võ quan, mặt đỏ, râu đen, hai bên tượng Đức Ông có hai vị thị giả. Truyện xưa vẫn kể: Đức Ông là vị trưởng giả, thuộc dòng Bà La Môn (Bharata) tên là Tu đạt Cấp Cô độc. Ông là người đã dùng gạch vàng để lát vườn của Thái tử Kỳ Đà mà xây nên vườn Lộc Uyển – vườn Nai - là nơi Đức Thích Ca giảng đạo và tăng đoàn học tập, nơi các vị Vương, Bà La Môn, trưởng giả, chúng sinh đến tham vấn Đức Thích Ca. Có lẽ vì công đức ấy mà Đức Ông được thờ ở vị trí trang trọng bên Phật điện. Khi vào chùa, trước tiên, du khách nên vào lối bên phải, đặt lễ trước ban Đức Ông, chắp tay hình búp sen, xin phép vào lễ Phật bởi ngài chính là người kiểm soát tâm thế của chúng sinh đến lễ chùa, đến với Phật... Lễ Phật chỉ cần đồ lục cúng (hương, hoa, đăng – nến, trà, quả, thực), không dâng tiền vàng, đồ mặn, đồ mã... Tiền đặt trong chùa là chi phí dầu đèn, tu bổ di tích và nuôi chúng tăng, không đặt tiền lên ban thờ, đĩa lễ mà bỏ vào hòm công đức ở ban chính. Nếu bỏ tiền lên ban Phật, gài vào tay, thân tượng Phật, Thánh là bất kính, vừa trái với giáo lý nhà Phật vừa dễ làm tiền cháy, rơi, bẩn.
Ban Thánh hiền ở bên phải tòa Tiền đường, tượng mặc áo cà sa vàng, đội mũ Liên hoa Thất Phật, chân dung hiền hòa, tươi tắn, bên cạnh có hai vị thị giả. Thánh hiền là cách gọi dân gian - đây là A Nan Đà dịch nghĩa là Hoan Hỉ (anh họ và cũng là đệ tử thứ hai của Đức Thích Ca Mâu Ni). Truyện rằng: A Nan Đà thuộc dòng dõi Bà la Môn, hoàng gia triều vua Tịnh Phạn. Ngài được mệnh danh là đệ nhất Đa văn thánh giáo (Người nghe nhiều lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni), là người đã cùng với tăng đoàn kết tập kinh điển của Phật sau khi ngài tịch diệt. Trong một lần khất thực, gặp người phụ nữ yêu mình say đắm, ngài đã vượt qua tình ái lứa đôi và xin với Đức Thích Ca cho nàng đó được xuất gia, phát tâm từ bi yêu thương toàn nhân loại, từ đó trong Tăng đoàn xuất hiện hàng Ni (Sư nữ).
Tượng Bát bộ Kim Cương: Là vị phiếm thần, gồm tám pho tượng đứng hai bên gian tiền đường làm không gian tăng thêm phần uy nghiêm. Các tượng đều mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí song dáng đứng theo các thế tấn, thế tay khác nhau thể hiện tinh thần dũng mãnh và cương quyết. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành hay hộ trì Phật pháp nên gọi là Kim Cương Hộ pháp, y phục này là áo nhẫn nhục hay còn gọi là áo tùy hình chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si (tham lam, nóng giận và ngu tối)”. Ở chùa Việt Bắc Bộ, tượng Kim Cương Hộ pháp luôn thể hiện dưới hình dạng võ tướng, có lẽ để thể hiện tinh thần dũng mãnh hay ẩn chứa lòng tôn kính các vị anh hùng dân tộc? Bộ tượng này ở chùa Tây Phương (Hà Nội) khá mực thước, cách thể hiện khéo léo, dáng hoạt, tư thế sinh động; bộ tượng ở chùa Mía (Hà Nội) lại có vẻ dân gian, khuôn mặt giống người thực, có cảm xúc…
Bài trí tượng trong tòa Thượng điện
Tòa Thượng điện còn gọi là Tam bảo hay Đại hùng Bảo điện, gồm nhiều tượng Phật đặt trên các bệ xây từ thấp tới cao, tượng trưng cho sự tu hành và đắc đạo của đức Phật, đồng thời biểu hiện các triết lý của đạo Phật. Nghĩa của Đại hùng:Thắng nhân giả anh, Thắng kỷ giả hùng (thắng được mình mới là bậc đại hùng).
Lớp thứ nhất: Trên cùng là tượng Tam thế, tên đầy đủ là Tam thế tam thiên Phật nghĩa là ba nghìn vị Phật thời quá khứ, hiện tại, tương lai, trong đó Thiên (ngàn) là con số phiếm chỉ không đếm được.
Bộ tượng này gồm ba pho, thường có một dáng chung là ngồi kết già, sự khác nhau chỉ là các dáng tay kết ấn, bên trái là Quá khứ thế, bên phải là Vị lai thế, ở giữa là Hiện tại thế. Một số bộ tượng mang tính nghệ thuật cao như ở chùa Thầy, chùa Ninh Hiệp (Hà Nội) có phong cách thời Mạc, bộ tượng ở chùa Côn Sơn (Hải Dương) có tạo hình giống tượng ở các chùa Nam Tông, bộ tượng chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mang đặc điểm tượng thời Lê Trung Hưng. Với loại tượng này, bệ sen và bệ vuông có trang trí khá tỉ mỉ, nhiều đồ án trang trí ẩn chứa mật nghĩa sâu xa. Đặc biệt là bộ tượng ở chùa Bút Tháp với tán lửa tam muội hình thuyền phía sau tượng có trang trí tinh tế, hoa văn thực vật, mây lửa, mây nước... liên quan đến lực lượng tự nhiên, thể hiện khát vọng hằng xuyên trong tâm thức của người Việt – cầu mưa, cầu mùa.
Lớp thứ hai: Bộ tượng Di đà tam tôn mang tính chất tuyên ngôn cho Phật giáo bởi đại điện cho từ tâm và trí tuệ. Trong đó, Phật Adiđà ở giữa thể hiện tám tính (bát đại), phân thân biểu hiện thành Quan thế âm Bồ tát bên trái (bốn tính thuộc từ tâm là đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả) và Đại thế chí Bồ tát bên phải (bốn tính thuộc trí tuệ là đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng). Bộ tượng Di đà tam tôn ở chùa Thầy có niên đại thời Mạc với nhiều hoa văn liên quan đến Mật tông như hạt bảo châu, sen Tạng, hoa có kết cấu kim cương chử, cành san hô (cây thiên mệnh)… Đặc biệt trên tượng Đại thế chí Bồ tát được trang trí 427 cặp hạt tròn tương ứng với 427 câu chú trong Kinh Thủ lăng nghiêm.
Lớp thứ ba: Bộ tượng Thích ca liên hoa, với mô hình nhất Phật nhị tôn giả, Đức Thích Ca ngồi kết già ở giữa, tay giơ đóa sen, Ma Ha Ca Diếp bên trái, A Nan Đà bên phải. Xuất hiện khá ở nhiều chùa Việt như chùa Trăm gian, chùa Bà Đá (Hà Nội)..., bộ tượng này được tạc theo sự tích tôn giả Ma Ha Ca Diếp mỉm cười thấu hiểu khi Thích Ca giơ đóa sen lên trước đông đủ tăng đoàn.
Lớp  thứ tư: Tượng Tuyết Sơn mô tả quá trình bảy năm tu khổ hạnh không tìm được chân lý của Đức Thích Ca trong núi Hymalaya. Tạo hình tượng khắc khổ, đầu nhô lên hình sọ, mắt trũng sâu, chân tay gầy guộc, hiện rõ các đốt xương. Với tượng này có thể thấy rõ trình độ giải phẫu cơ thể người của cha ông khá vững vàng. Các nếp quần áo đổ dồn xuống dưới, như tăng vẻ tiều tụy của tượng, nhưng vẫn nhận thấy sự suy tư thanh thản trong ánh mắt xa xăm và toàn thân tĩnh tại, ung dung như ông già người Việt ngồi hóng mát. Tượng này ở chùa Tây Phương khá thành công, chất liệu gỗ phủ sơn, tiêu bản của tượng còn có ở chùa Thầy, chùa Trăm Gian.
Lớp thứ năm: Bộ tượng Di Lặc tam tôn, tuy có mô hình nhất Phật nhị Bồ tát nhưng ở mỗi chùa lại có sự khác nhau. Ở chùa Tây Phương, bộ tượng này có niên đại thời Tây Sơn với Phật Di lặc ngồi giữa, hai bên là Đại Diệu Tường Bồ tát và Pháp Hoa Lâm Bồ tát. Ở một số chùa khác thì hai bên là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, khi thì trong hình tướng nữ, cưỡi mãnh thú (voi và sư tử), khi thì trong hình tướng tăng nhân như ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội), khi là hai vị Bồ tát cầm hoa sen hay pháp khí như ở chùa Bà Đá.
Lớp thứ sáu: Tòa Cửu Long ở giữa, bên trái là Đế Thiên (Indra – Ngọc hoàng: vua của cõi trời sắc giới, cõi có hình tướng) và bên phải là Đế Thích (Brama: vua của cõi trời dục giới, cõi không còn hình tướng nhưng vẫn còn dục vọng, ham muốn). Tòa Cửu Long được xây dựng theo tích Thích Ca sơ sinh – một trong bốn tích quan trọng trong đời Phật (đản sinh, xuất gia, thành đạo và viên tịch). Trung tâm là Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh trong hình dạng chú bé mũm mĩm nhưng vẻ mặt nghiêm trang, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất. Xung quanh có chín con rồng liên kết tạo thành một hình khum, hướng phía mặt ra ngoài, mô tả các tầng trời, trên đó có các vị Phật ngồi kết già, các vị Bồ tát, Kim Cương Hộ pháp, các nhạc sĩ thiên thần… Cũng có khi đài Cửu Long được điêu khắc theo chủ đề là bốn sự kiện quan trọng của Phật Thích Ca như ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu: Phía trước tòa Cửu Long còn có tượng Nam Tào (mũ đỏ, quần áo đỏ, mặt đỏ), Bắc Đẩu (mũ đen, quần áo đen, mặt đen). Sự xuất hiện hai vị tinh quân này trên Phật điện là do tư duy dân gian. Có chùa thờ đủ bốn vị phù trợ tòa Cửu Long như chùa Mía, chùa Tây Phương, có chùa chỉ có hai vị vua trời như chùa Bối Khê (Hà Nội). Bốn vị này có nơi được thay bằng tượng tứ Bồ tát như ở chùa Bút Tháp, tạo hình tướng nữ trong dáng đứng. Ở chùa Mía, tứ Bồ tát đứng ở hai bên Phật điện, phía gian ngoài. Ở chùa Dâu (Bắc Ninh), tứ Bồ tát đứng trong gian thờ Đức Pháp Vân, Pháp Vũ.
Tượng Thập điện Diêm vương: Hai bên Phật điện còn có tượng Thập điện Diêm vương cai quản mười cửa điện. Tạo hình các vị này theo lối Hoàng đế, mũ Bình thiên, áo cổn, đi hia, tay cầm hốt ngồi trên ngai. Ở chùa Bối Khê, bộ tượng Thập điện có giá trị nghệ thuật cao với trang phục trang trí hoa văn khá tỉ mỉ, mũ Bình thiên có rèm châu khá đặc sắc. Chùa Mía, chùa Ninh Hiệp đều có bộ Thập điện được tạc theo lối dân gian. Bộ Thập điện chùa Dâu lại mang chân dung khá thanh thoát, lối vẽ râu tượng trưng. Đặc biệt, đề tài này còn được thể hiện dưới dạng tranh gỗ mô tả cả cảnh xử án như bộ tranh Thập điện ở chùa Trăm gian.
Khi tìm hiểu ý nghĩa và sự tích các bộ tượng, chúng ta nhận thấy sự bài trí tượng trong chùa Việt được quy định bởi triết mỹ Phật giáo, vừa thể hiện sự uy nghi của đạo Phật, tạo ra cái thiêng văn hóa, vừa có thái độ tâm tình, chia sẻ trăm đắng ngàn cay bởi tượng Phật giáo Việt thật gần với hình tướng mang cốt cách người Việt. Mẹ Việt trong hình tượng Quan âm Bồ tát, ông già Việt ngồi hóng mát thung dung trong tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, tượng Hộ pháp Kim cương thì to lớn, như biểu hiện sức mạnh của những anh hùng quật khởi.
Trong không gian tĩnh lặng, trong khói hương, ánh nến, người Việt đến chùa để thức dậy tâm mình, tìm chỗ dựa cho thân tâm mệt mỏi, tỏ bày biết bao tâm tư vui buồn của kiếp người trong cõi thế mênh mang.
TS. Triệu Thế Việt





BỘ VĂN HOÁ THỂ THAO DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ TPHCM
KHOA :DU LỊCH
Lớp: Hướng Dẩn Du Lịch 1

BÀI TIỂU LUẬN NHÓM 1

MÔN : TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO

GVHD: PGS.TS : TRẦN HỒNG LIÊN







                  Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 5 năm 2012
BỘ VĂN HOÁ THỂ THAO DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ TPHCM
KHOA :DU LỊCH
Lớp: Hướng Dẩn Du Lịch 1

BÀI TIỂU LUẬN NHÓM 1

MÔN : TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO

GVHD: PGS.TS : TRẦN HỒNG LIÊN



                             






                  Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 5 năm 2012


Đề tài :

kiến trúc và cách bày trí tượng thờ của hệ phái khất sĩ

I.Dẫn nhập

1.1/Sơ lược về hệ phái khất sĩ

Phật giáo việt nam đã trải qua  2000 năm lịch sử phật giáo đã trở thành một phần của nền văn hoá của dân tộc việt nam.vào thời lý trần phật giáo phát triển rực rỡ và trở thành quốc giáo của dân tộc do nhiều yêú tố của lịch sử và sự du nhập các luồng tư tưởng khác nhau nên phật giáo phát triển thành các hệ phái như:
bắc tông, nam tông, khất sĩ.
Hệ phái Khất Sĩ do Tổ Sư Minh Đăng Quang  sáng lập từ  năm 1944 với chí nguyện: "Nối truyền Thích Ca chánh Pháp". Người sinh trưởng tại làng Phú Hậu, Tổng Bình Phú, quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long (tức Cửu Long ngày nay).
Năm 1944 Đức Ngài được 22 tuổi rời gia đình xuất thân đi hành đạo tu tập từ Vĩnh Long đi Châu Đốc, Thất Sơn, HàTiên… Sau về tịnh tụ tại chùa Linh Bửu làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1946, với Y Bát Pháp bảo tự ngộ, tự tu, tự chứng….Ngài khởi đi du hoá ở Mỹ Tho, Gò công, Long An, Thủ Thừa, Bến Lức, Phú Lâm, Chợ Lớn, Bà Chiểu




                                               
1.2/Đặc điểm của hệ phái khất sĩ Việt Nam

            Phái khất sĩ là môn phái kết hợp những cái tinh tuý của hai phái nam tông và bắc tông.Các vị sư của hệ phái khất sĩ đi khất thực và ăn chay, khi đi khất thực họ không nhận tiền, không nhận thức ăn chưa qua chế biến vì họ không nấu ăn.
Trang phục của hệ phái khất sĩ có màu vàng nhạt (hoặc sậm) gồm có 3 loại y: y thượng bá nạp, y trung, y hạ.
Khác với chiếc áo tràng màu lam,tay rộng của phật tử bắc tông,chiếc áo dài màu trắng được gọi là “áo giới” là y phục của người phật tử của hệ phái khất sĩ .Chiếc áo giới trắng mà tổ sư đã quy định cho hành phật tử cư sĩ mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm hồn trong sạch và đầy đủ niềm tin đối với Tam bảo.Người cư sĩ đã thọ tam quy,ngũ giới mặc áo giới trắng phải thường xuyên nghỉ tới tam bảo,và phải giữ cho năm giới trọn lành.ngược dòng lịch sữ ta thấy tổ sư MINH ĐĂNG QUANG dạy hàng cư sĩ mặc áo giới trắng rất hợp với lới của đức thế tôn trong kinh ưu – bà – tắc số 128 thuộc trung A – hàm
Biểu tượng của hệ phái khất sĩ là cây đuốc thiêng với ý nghĩa “đuốc tuệ rạng ngời ra vạn nẻo sen từ thơm ngát toả hương thơm”




1.3 Danh hiệu tịnh xá

Danh hiệu tịnh xá thường có hai chữ. Trước đây, Tổ sư đã đặt danh hiệu các tịnh xá là gồm có:
chữ Ngọc đứng đầu, để ẩn dụ rằng các ngôi đạo tràng tịnh xá là nơi hoằng hóa đạo đức, lợi lạc quần sanh, có giá trị như là những viên ngọc quý trong thế gian.chữ thứ hai, Tổ sư và các trưởng lão Tăng Ni đã tùy nghi dùng tên địa phương của tịnh xá đó, hoặc là một chữ có ý nghĩa về pháp, về đạo đức, mang hoài bão của người khai sáng hay tâm nguyện chung của đồng bào Phật tử địa phương… để ghép với chữ  “Ngọc”.
Như các tịnh xá sau là mang tên của địa phương: tịnh xá Ngọc Bình và Ngọc Dương tại Bình Dương, tịnh xá Ngọc Long và Ngọc Khánh tại Long Khánh, tịnh xá Ngọc Phụng và Ngọc Hiệp tại Phụng Hiệp, tịnh xá Ngọc Ninh và Ngọc Thuận tại Ninh Thuận, tịnh xá Ngọc Đà tại Đà Lạt, tịnh xá Ngọc Nhơn tại Quy Nhơn, tịnh xá Ngọc Kỳ tại Tam Kỳ, tịnh xá Ngọc Tiên tại Hà Tiên…









Tịnh xá Ngọc Giáng - Phường Chính Gián, Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng


Ngoài ra, có một vài tịnh xá, tịnh thất không đặt tên theo truyền thống trên, như: tịnh xá Mộc Chơn (tịnh xá đầu tiên của Đạo Phật Khất Sĩ), tịnh xá Trung Tâm (trụ sở Hệ phái), tịnh xá Kỳ Viên (GĐ. V), tịnh xá Trúc Lâm (GĐ. II), tịnh xá Lộc Uyển (GĐ. VI), tịnh thất An Lạc (GĐ. I), tịnh thất Hoa Nghiêm (GĐ. IV)…




II. kiến trúc và bày trí tượng thờ của hệ phái khất sĩ

2.1 kiến trúc



a.Cổng vào              

Các tịnh xá thường xây cổng tam quan. Thường trên đỉnh tam quan có ngọn đèn Chơn lý thắp sáng (ý pháp tám vạn bốn ngàn pháp môn của chư Phật), hoặc có bánh xe luân hồi


b.Nhà giảng thuyết pháp

là nơi để dạy giáo lý cho chư Tăng và Phật tử nhằm phát triển về mặt tâm linh trí tuệ, đồng thời để nêu cao tinh thần xiển dương chánh pháp của đức Tổ sư. Trong quyển Luật Nghi Khất sĩ Ngài quy định mỗi Tịnh xá đều phải có nhà giảng thuyết pháp gốc vuông 16 thước.




C.chánh điện

Chánh điện hình bát giác tượng trưng cho Bát chánh đạo(Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tiến, Chánh niệm, Chánh định.);
cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế; bốn cột lớn giữa nhà bát giác tượng trưng cho tứ chúng Phật tử cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp.Chánh điện, nhà thuyết pháp và tăng(ni) xá được gọi là nhà tam bảo (tam bảo: phật, pháp , tăng) trong đó, phật bảo là nơi thờ phật tức là chánh điện,pháp bảo là nơi truyền bá phật pháp tức là nhà thuyết pháp, tăng bảo là nhà ở của chư tăng chư ni tức là tăng(ni) xá.





d.Cốc tăng

Cốc tăng là để cho chư vị tỳ kheo tịnh tu hoặc các vị khách tăng tạm dừng chân trú ngụ qua đêm. Nhằm thực hiện theo tinh thần “tri túc thiểu dục”, thanh bần đơn giản mà đức tổ sư đã từng khuyên dạy



Cốc tăng ở tịnh xá ngọc chơn









e.Nhà Cửu huyền

Là nơi thờ chư vong linh quá vãng. Trong ấy có những Phật tử lúc sinh tiền đã quy ngưỡng với Tam Bảo, khi mất họ cũng muốn sống gần Tam Bảo, nên con cháu đem hương linh của ông bà, cha mẹ gửi vào trong nhà thờ Cửu Huyền này. Bên cạnh đó cũng có những hương linh chưa quy y, nhưng gia đình của họ muốn tạo điều kiện cho người thân đã mất có duyên với Phật pháp, nên cũng gởi vào đây để thờ.
Đó cũng là cơ hội cho con cháu hay thân nhân thường tới lui đạo tràng đốt hương tưởng niệm thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, cha mẹ bằng quyến thuộc theo tinh thần Phật giáo.
Trong quyển luật nghi khất sĩ tổ sư MINH ĐĂNG  QUANG có kiến lập kiến trúc cơ bản của một ngôi tịnh xá  như sau: Phía trước, bên trái có nhà thiện nam, bên mặt có nhà tín nữ. Phía sau, bên mặt có cốc nghỉ chơn cho Ni lưu, bên trái có cốc của Tăng. Có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối, có cây cao bóng mát gió thanh, xa nhà bá tánh trăm thước, trống trải giữa trời, không trồng bông trái. Xa núi, xa chợ, cảnh giữa vườn rừng, đó mới là nơi thiền định đáng làm chỗ trụ. Đất rộng trăm thước, không thú dữ, xa tôn giáo, tránh binh gia, gần xóm người hiền, tránh xa trộm cướp, chẳng cận đường đi, không xây tường gạch, nóc ngói, chỉ cất dùng cây, ván, lá. Cốc phải lót sàng, xa mồ mả trăm thước, Nhà tiêu hướng Đông-Nam, nhà Tắm phía Tây-Bắc, nhà bếp để hờ nấu nước, thuốc, phương Đông-Bắc. Chỗ để đồ vật Giáo hội tại Tây-Nam.(luật nghi khất sĩ – tổ sư Minh Đăng Quang)



2.2 Điêu khắc và chạm trỗ trong tịnh xá

Đặc biệt là các bức phù điêu trên tường ,những bức phù điêu này phản ánh lại cho chúng ta thấy cuộc đời của đức phật,các giai đoạn giác ngộ phật pháp của người



Hoa văn trên tháp thờ phật

Hoa văn trên giảng đường





2.3.Cách bày trí tượng thờ

Bên trong ngay giữa Chánh điện có tháp thờ bảo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni và bộ đại tạng kinh Việt Nam, nền tháp có ba bậc tượng trưng cho ngôi tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Bốn cửa tháp để trống tượng trưng cho tứ vô lượng tâm: “Từ, Bi, Hỷ, Xả”.Nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp bề cao ba thước, chân rộng vuông một thước tám.
phía trên nóc tháp có 13 tầng là biểu trưng cho con đường tiến hóa của chúng sanh (từ địa ngục đến Như Lai).Xung quanh tháp thờ Phật có 4 đại trụ nhằm tượng trưng cho tứ chúng Tăng, Ni, nam và nữ cư sĩ cùng nhau tu học. Mỗi đại trụ có thể có một bông sen đỡ chân, nhằm để nhắc nhở cho hàng tứ chúng phải dựa trên nền tảng tam nghiệp luôn thanh tịnh, tinh khiết như là hoa sen, mới có thể chống đỡ ngôi nhà Phật pháp . Hệ phái khất sĩ chỉ thờ phật Thích Ca  tượng được đặt giữa chánh điện ngồi trên toà sen hai tay bắt ấn thiền . Quanh bảo tháp có bốn cột trụ vươn cao tượng trưng cho tứ chúng cùng nhau nâng đỡ bảo vệ ngôi nhà Chánh pháp




Phía sau tháp thờ pháp có để di ảnh của tổ sư Minh Đăng Quang để tưởng nhớ người.





Phía sau ngôi chánh điện còn có nhiều căn nhà dùng làm thiền đường, tăng xá, trai đường, lớp học, phòng phát hành kinh sách…
Hiện nay, chánh điện nhiều ngôi tịnh xá đã xây lầu, tầng trên thờ Phật, tầng dưới làm giảng đường, như tịnh xá Trung Tâm, tịnh xá Ngọc Lâm (TP. Hồ Chí Minh), tịnh xá Ngọc Phúc (Gia Lai), tịnh xá Ngọc Thuận (Tây Ninh), tịnh xá Ngọc Tâm (Long An) v.v…






Thiền Đường

Ngoài ra, các tượng thờ khác như: địa tạng bồ tát, quan thế âm , di lặc , dược sư …. Cũng được thờ trong khuôn viên tịnh xá, hoặc trong nhà thuyết pháp…
III.Kết luận
Nhìn chung, kiến trúc của phật giáo khất sĩ có nhiều ảnh hưởng của Phật Giáo Bắc Tông như cổng tam quan, các mái cong (của chánh điện, hậu tổ, nhà thờ cửu huyền...), hoa văn bánh xe pháp luân, hoa sen, lư hương, chữ vạn,... . Nhưng nhìn vào kiến trúc tổng thể ngôi tịnh xá của phật giáo khất sĩ ta thấy khác biệt với kiến trúc của Phật giáo Bắc Tông. Thường chúng ta thấy kiến trúc của ngôi chùa Bắc Tông có kiến trúc liên kết nhau  như chánh điện nối kết giảng đường, hậu tổ, gần tăng xá là trai đường và nhà bếp. Nhưng trái lại ngôi tịnh xá của phật giáo khất sĩ thì chánh điện được xây dựng cách biệt với tăng xá, trai đường,...có lẽ kiến trúc này chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nam Tông.  Bên cạnh đó còn những điểm khác như chánh điện của chùa có nền hình chữ nhật hoặc hình vuông, còn chánh điện của tịnh xá do Tổ Sư Minh Đăng Quang thiết kế hình bát giác. Những khác biệt này chính là kiến trúc đặc thù của ngôi TX phật giáo khất sĩ, nó đã đóng góp tô điểm cho nền nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam thêm phong phú và phát triển.
IV.Tài liệu tham khảo
Daophatkhatsi.net
Nguoiphattu.com
Vngarden.com
TÌM HIỂU SƠ LƯỢC HỆ THỐNG TỰ VIỆN - TỊNH XÁ CỦA HỆ PHÁI KHẤT SĨ VIỆT NAM-ks Bình Minh
Tinhxangocminh.net
Luật nghi khất sĩ của tổ sư MINH ĐĂNG QUANG 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét